Lịch sử và di tích Chùa_Lôi_Âm

Theo Đại Nam nhất thống chí, phần giới thiệu về chùa quán, danh thắng của tỉnh Quảng Ninh có chép rằng:

Núi Lôi Âm ở cách huyện Yên Hưng 25 dặm về phía đông. Núi có thế thanh thú chót vót, cao hơn các núi khác, trên đỉnh có chỗ vuông vắn rộng rãi phỏng 5-6 trượng, không mọc cỏ cây, tương truyền là bàn cờ tiên, tục lại gọi là "chợ trời", sườn núi có chùa gọi là chùa Lôi Âm, sau chùa có giếng, nước rất trong mát, bên tả có khe Giải oan, nước từ đỉnh núi chảy ra, quanh trước chùa rồi chảy về phía tây nam ra biển; núi có nhiều cây thông, lên cao trông ra ngoài biển, các ngọn núi đều chầu vào, cũng là một danh thắng. Năm Tự Đức thứ 3 liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ

Qua các bia đá còn sót lại tới ngày nay có thể thấy rằng chùa Lôi Âm trước đây đã từng là một danh thắng nổi tiếng ở xứ Hải Đông và được xây dựng vào thời Trần. Chùa hiện còn lưu giữ được một số bia đá ghi chép lại các lần trùng tu chùa, như tấm bia tạo dựng vào năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1626) có ghi: Các chủ sãi, vãi ở các tổng thuộc huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, Hoa Phong, phủ Hải Đông, đạo An Bang đóng góp công đức tu sửa 1 gian, 1 chái, nhà thượng điện, nơi thiêu hương... Trăm phúc ngàn lộc, tựa đẳng hà sa, để lại cho con cháu muôn đời.

Năm Vĩnh Thuận thứ 3 (1660), các Phật tử lại thành tâm công đức tôn tạo 11 pho tượng Phật. Tấm bia ghi lại việc trùng tu lần thứ ba không còn đọc được niên đại nhưng cho biết rõ lần trùng tu này đã tu sửa 16 pho tượng, 3 gian thượng điện, tiền đường... "khiến cho ai đến đây, thấy cảnh chùa cũng phải khen ngợi". Một số tấm bia đá khác ở chùa Vạn Triều và chùa Sùng Đức (đã thành phế tích, cùng ở trong khu vực lân cận với chùa Lôi Âm) còn sót lại tới ngày nay, đều ca ngợi chùa Lôi Âm là một danh thắng của vùng Hải Đông thời bấy giờ.

Trải qua mưa nắng, thời gian và chiến tranh chùa Lôi Âm đã bị hư hại và cho tới mấy năm gần đây đã được trùng tu lại trên nền chùa xưa. Những di vật của ngôi chùa cũ còn được giữ lại, đáng chú ý có 14 tháp mộ xây bằng đá xanh và gạch, 2 thống đá, 1 cây hương đá cao 2,48m được chạm hoa sen, hoa cúc, 5 bia đá với những hoa văn trang trí mang đậm dấu ấn mỹ thuật thời đại - Mạc (thế kỷ XVII) và nhiều chân cột bằng đá. Ngoài ra, xung quanh chùa vẫn còn những cây muỗm cổ thụ đường kính thân tới hơn 1m và nhiều loại cây lớn khác.[3]